TỔNG KẾT HỘI THẢO BAO BÌ XANH: XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA BAO BÌ THỰC PHẨM

Vào ngày 09.08.2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), VINPAS đã tổ chức thành công hội thảo “Bao bì xanh - Xu hướng tất yếu của bao bì thực phẩm”, thu hút đông đảo đại diện đến từ các doanh nghiệp ngành in ấn và bao bì Việt Nam tham dự Đây là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng ngành và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong bối cảnh xu hướng bao bì "xanh" đang ngày càng phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới.

Khai mạc chương trình

Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Ngọc Minh Thy - Phó Chủ tịch VINPAS - đã có đôi lời phát biểu khai mạc chương trình. Theo ông, vấn đề nhức nhối hiện nay là làm thế nào để phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường. Chính vì đó, VINPAS đã tổ chức buổi Hội thảo nhằm mang đến thông tin cập nhật mới nhất từ các chuyên gia trong lĩnh vực bao bì, nhãn mác về bao bì bền vững, bên cạnh đó còn điểm qua những xu hướng mới, cũng như giới thiệu những vật liệu xanh nhằm hướng đến một tương lai mà bao bì sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Minh Thy - Phó Chủ tịch VINPAS

Chủ đề 1: Bao bì thân thiện với môi trường

Tiếp đến, bầu không khí đã được hâm nóng với chủ đề tham luận đầu tiên “Bao bì thân thiện với môi trường” thông qua sự chia sẻ của hai diễn giả: ông Bùi Quang Thịnh - Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ Vinpas và ông Marco Fritsche - Giám đốc điều hành ALPLA Packaging (Việt Nam). Ông Bùi Quang Thịnh cho biết, hiện nay, các tập đoàn FMCG đa quốc gia trên thế giới đã và đang thi hành những mục tiêu bền vững có thể kể đến như sau: 

      🌟 Unilever: tập đoàn này đi theo phương châm “No plastic, less plastic, better plastic” thông qua các phương thức như “Reuse, reduce, recycle”;

      🌟 Nestle: tập đoàn này tập trung vào “Less packaging, better packaging, better system” thông qua “Reduce, reuse & refill, redesign, recycle, rethink behaviors”;

      🌟 Pepsico: tập trung vào Reduce the plastic (Giảm 1% lượng nhựa nguyên sinh), Reinvent (10% bao bì NGK ở dạng tái sử dụng), Recycle (89% bao bì được thiết kế theo recyclable, compostable,...);

      🌟 Mondelez: tập trung vào “Reduce packaging, evolving packaging, improving packaging”.

Bên cạnh đó, ông cũng tập trung phân tích sâu vào những giải pháp bao bì bền vững đến từ các công ty có tiếng như: Tetra Pack, TBC, Huhtamaki,...; những dẫn chứng cụ thể trong chính nội tại ngành bao bì Việt Nam. Ông cũng chia sẻ thêm, một chuỗi cung ứng bao bì bền vững phải có đủ 4 yếu tố cần thiết: Reduce - Reuse - Recycle - Replace.

Ông Bùi Quang Thịnh - Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ Vinpas

Tiếp đến, ngay trong khuôn khổ của chủ đề một, ông Marco Fritsche đã giới thiệu những giải pháp đột phá trong ngành sản xuất bao bì, đặc biệt là dòng sản phẩm chai nhựa siêu nhẹ chỉ nặng 9 gram. Với trọng lượng siêu nhẹ chỉ 9 gram, chai nhựa này đã giảm tới 70% lượng nhựa sử dụng so với các sản phẩm truyền thống. Không chỉ vậy, chai giấy có lớp phủ bảo vệ mỏng còn giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn và dễ dàng tái chế. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Marco Fritsche - Giám đốc điều hành ALPLA Packaging (Việt Nam)

Chủ đề 2: Xu hướng bao bì thực phẩm xanh

Bầu không khí tiếp tục được hâm nóng bởi phần tham luận đến từ cô Nguyễn Thị Ngọc Ngân - Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ VINPAS - với trình bày về chủ đề thứ hai mang tên “Xu hướng bao bì thực phẩm xanh”. Theo cô, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với vấn đề rác thải nghiêm trọng và cam kết mạnh mẽ với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, việc chuyển đổi sang bao bì xanh trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp đang tích cực ứng dụng các giải pháp như thiết kế tối giản (in trực tiếp lên chai, bao bì trong suốt), sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững (giấy tái chế, bao bì đồng chất) và hỗ trợ tái chế (nhãn mác hướng dẫn tái chế) để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Việc áp dụng các nguyên tắc thiết kế tối giản không chỉ giúp tiết kiệm nguyên liệu mà còn tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ mới cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững không chỉ giảm thiểu lượng rác thải mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Cô đồng thời nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang bao bì xanh không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu và tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các doanh nghiệp cần có những cam kết rõ ràng và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển các giải pháp bao bì mới. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần ban hành những chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất bền vững.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ngân - Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ Vinpas

Chủ đề 3: Giải pháp chống giả cho bao bì thực phẩm

Ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vina CHG đã tiếp nối chương trình hội thảo với bài tham luận về chủ đề “Giải pháp chống giả cho bao bì thực phẩm”. Bài trình bày của ông Nguyễn Viết Hồng đã mang đến một góc nhìn sâu sắc về vấn đề hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp trong ngành thực phẩm.

Ông Hồng nhấn mạnh rằng, động cơ lợi nhuận cao và khung pháp luật chưa đủ mạnh đã tạo điều kiện cho các hành vi gian lận thương mại tràn lan. Để đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình những công cụ bảo vệ thương hiệu hiệu quả.

Theo ông Hồng, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ chống giả trên bao bì và các hoạt động điều tra, xử lý hàng giả, truyền thông là những giải pháp thiết yếu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần kết hợp đồng bộ các giải pháp này để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.

Bài phát biểu của ông Hồng đã khơi gợi nhiều suy nghĩ cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm về tầm quan trọng của việc chống hàng giả, hàng nhái. Đây là một vấn đề cần sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vina CHG

Chủ đề 4: Xu hướng sử dụng vật liệu xanh hướng đến sản xuất bao bì bền vững

Để tiếp nối chương trình, ông Trần Thanh Hậu - Chuyên viên bán hàng kỹ thuật Công ty Toàn Ấn - đã chia sẻ về chủ đề "Xu hướng sử dụng vật liệu xanh hướng đến sản xuất bao bì bền vững". 

Ông Hậu cho biết, theo kết quả khảo sát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường khi tính năng tái chế được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm. Điều này cho thấy, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Việc sử dụng vật liệu xanh như giấy tái chế, giấy có chứng nhận bền vững, nhựa sinh học từ bã mía... đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bao bì. Tuy nhiên, ông Hậu cũng chỉ ra một số thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, như quy định pháp luật chưa đồng bộ, chi phí sản xuất cao và nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.

Bài phát biểu của ông Hậu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang bao bì xanh, đồng thời đặt ra những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy quá trình này. Đây là một chủ đề đáng được quan tâm và thảo luận sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Ông Trần Thanh Hậu - Chuyên viên bán hàng kỹ thuật Công ty Toàn Ấn

Chủ đề 5: Các giải pháp nhãn bền vững thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từ Avery Dennison

Kết thúc chương trình, cô Nguyễn Ngọc Linh - Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Avery Dennison - đã mang đến những thông tin vô cùng hữu ích về giải pháp nhãn bền vững. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế sinh thái cho bao bì, nhằm tối ưu hóa khả năng tái chế và tái sử dụng sản phẩm. Theo đó, sản phẩm phải được làm từ nhựa có thể tái chế, có giá trị thị trường và được hỗ trợ bởi chương trình quy định của pháp luật. Đồng thời, sản phẩm cần được phân loại, tập hợp, xử lý và tái chế thành các dòng sản phẩm tái chế xác định.

Bên cạnh đó, chương trình tái chế lớp đế nhãn decal cũng được giới thiệu như một giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường, bởi lớp đế chiếm đến 30% rác thải từ nhãn decal. Avery Dennison còn tiên phong trong việc xây dựng công cụ đo lường phát thải carbon, giúp khách hàng có cái nhìn rõ ràng về tác động môi trường của sản phẩm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, công ty này cung cấp các giải pháp nhãn decal thân thiện môi trường, từ việc sử dụng nguyên liệu tái chế đến tối ưu hóa vật liệu để giảm thiểu tác động. Các giải pháp này bao gồm: nhãn có thể tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu sử dụng vật liệu, sử dụng nội dung tái chế và nguồn sản phẩm có trách nhiệm.

Bài trình bày của cô Linh đã mở ra những hướng đi mới cho ngành bao bì Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.

Cô Nguyễn Ngọc Linh - Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Avery Dennison

Kết thúc

Sau các bài tham luận trên, đại diện Ban tổ chức đã trao tặng kỷ niệm chương đến các diễn giả đã đóng góp to lớn cho sự thành công của chương trình hội thảo  “Bao bì xanh - Xu hướng tất yếu của bao bì thực phẩm”. 

Trao tặng kỷ niệm chương đến các diễn giả

Theo dõi e-Print&Pack để tiếp tục cập nhật những tin tức thị trường mới nhất.