Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng: Việt Nam đã làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài? Cơ hội và Thách thức?


Sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 được xem là một “chất xúc tác‘’ khiến các tập đoàn lớn dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với năng lực sản xuất sẵn có, khả năng tiếp cận thị trường lớn cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sắp có hiệu lực, Việt Nam đã và đang đón nhận những cơ hội lớn để ‘đón đầu’ vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng mới.

Hai năm gần đây, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp hạn chế do đại dịch Covid-19, kết hợp với các động thái tích cực của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng công nghệ của họ đã khiến triển vọng bám trụ ở Trung Quốc của các tập đoàn công nghệ lớn trở nên rủi ro hơn bao giờ hết. Các tập đoàn như Apple, Microsoft, Samsung,... mặc dù chưa hoàn toàn rời khỏi thị trường Trung Quốc, tuy nhiên cũng đã chủ động dịch chuyển một số bộ phận sản xuất sang các quốc gia lân cận để tối ưu hóa chi phí. Đặc biệt, Apple gần đây đã có những động thái nhanh chóng để đưa dây chuyền sản xuất và lắp ráp ra khỏi Trung Quốc như chuyển một số hoạt động sản xuất iPad, Apple Watch, MacBook và AirPods sang Việt Nam, đồng thời đang lắp ráp iPhone 13 và 14 tại Ấn Độ. Đối thủ lớn của Apple là Samsung cũng đã hoàn toàn rời khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2019 và chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam và Ấn Độ. Vì thế, Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của hãng này. Hay Panasonic cũng sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội để thành trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất Đông Nam Á.

Không chỉ riêng ngành công nghệ, các ngành công nghiệp khác chẳng hạn như dệt may, da giày cũng đang có sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng để không bị quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, tránh những tác động xấu khi một thị trường nào đó bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay một vấn đề rủi ro nào bất kỳ.

Vậy trước những cơ hội trên, Việt Nam đã có những động thái gì để thích ứng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng?

1. Thích ứng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Các dự án cơ sở hạ tầng hào nhoáng

Tại các tỉnh miền Bắc đang ghi nhận một sự bùng nổ cơ sở hạ tầng công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Hiện nay, các nhà sản xuất điện tử đã đến Hải Phòng để tập trung phát triển khu công nghiệp. Chẳng hạn như Dự án khu phức hợp dịch vụ DEEP C thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng, bên trong là chuỗi hệ thống các nhà xưởng, nhà kho, hệ thống thủy lợi được thiết kế để điều tiết lượng mưa, thậm chí nơi đây còn trang bị cả một tuabin gió - được xem là chiếc tuabin gió đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Chính cơ sở hạ tầng hiện đại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến những nhà cung cấp linh kiện thiết bị điện tử lớn đến từ Đài Loan cho những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Microsoft đã quyết định đến Việt Nam.

Tại Bắc Giang, cách Hải Phòng hai giờ lái xe, cơ sở hạ tầng cũng đang phát triển nhanh chóng. Tại đây đã xây dựng rất nhiều chỗ ở dành cho công nhân làm việc trong các nhà máy công nghệ Trong lúc đó, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vừa khánh thành vào tháng 9 năm nay đã rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng đến Thâm Quyến chỉ còn lại 12 tiếng đồng hồ. Sân bay Cát Bi cũng đang được mở rộng để có thêm nhiều nhà ga mới.

Các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Việt Nam đã nhảy vọt để đón làn sóng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Từ việc tham gia hơn chục hiệp định thương mại tự do và đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực, đến lời hứa về một nền kinh tế không phát thải carbon ròng vào năm 2050 hay giảm thuế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang làm mọi cách có thể để lôi kéo những gã khổng lồ công nghệ đang tìm cách mở rộng cơ sở sản xuất.

Hiện nay, Việt Nam đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ bản, Việt Nam đã cung cấp cho họ rất nhiều khoản miễn thuế. Tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể được miễn thuế tới bốn năm, sau đó là mức thuế thu nhập doanh nghiệp 5% cho đến năm thứ 13, 10% từ năm thứ 14 đến năm thứ 15, và sau đó là 20% cho các năm về sau. Điều đó tương đương với mức thuế chỉ 4.35% trong 15 năm đầu tiên, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

2. Thách thức đối với các doanh nghiệp

Một số nhà cung cấp công nghệ Việt Nam tràn đầy niềm tin với sự thay đổi này. Tuy nhiên cũng có một số người e ngại việc chào đón các công ty nước ngoài là quá sớm và bản thân sẽ phải trả một cái giá đắt.

Một trong những thách thức to lớn hiện nay của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Timothy Sturgeon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Hiệu suất Công nghiệp của Viện Công nghệ Massachusetts cho biết không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp FDI còn yếu mà hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều bất cập, điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tạo được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các gã khổng lồ công nghệ có thể đến Việt Nam, nhưng họ sẽ phải mang theo các nhà cung cấp đến từ khắp nơi trên thế giới của họ. Đây có thể là các công ty đến từ Trung Quốc, Anh, Hà Lan,... nhưng không phải là Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, giám đốc công ty MINH MAN LABELS, cho biết: “Điều này giống như câu chuyện “Cây gậy và củ cà rốt”. Chúng ta thấy được củ cà rốt nhưng không dễ để ăn trọn.” Cần biết thêm, “Cây gậy và củ cà rốt” là một loại chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, 'cây gậy' tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, trong khi 'củ cà rốt' tượng trưng cho quyển lợi hay phần thưởng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đang mượn tay chúng ta để xuất khẩu sản phẩm của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp nội địa nên hỗ trợ lẫn nhau. Các doanh nghiệp lớn trong nước có thể tạo ra nhu cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cũng nên tập trung phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, lựa chọn chính xác các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ điều kiện để hỗ trợ công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

3. Tạm kết

Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh hiện tại, việc gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều lợi thế trên trường quốc tế, tiếp cận với ‘đại bản doanh’ của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị doanh nghiệp để đối mặt với các thách thức hiện hữu.