Cách quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả trước Tết Nguyên Đán 2023
Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Tết Cổ Truyền, là dịp lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong một năm của người Việt Nam. Hằng năm vào thời điểm này, mọi người sẽ từ khắp nơi quay về quê hương để quây quần với gia đình.
Do tầm quan trọng của Tết Nguyên Đán, nhiều tập đoàn lớn hay các nhà máy sẽ ngừng hoạt động trước vài ngày để chuẩn bị ăn mừng ngày Tết. Đôi khi kì nghỉ lễ Tết chỉ kéo dài một tuần, nhưng sự gián đoạn sản xuất mà nó mang đến có thể kéo dài từ 3-4 tuần trong và sau Tết. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch đầy đủ cho chuỗi cung ứng của mình để mọi hoạt động kinh doanh được diễn ra trơn tru trong suốt những ngày Tết.
Tết Nguyên Đán sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp?
Dưới đây là một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm Tết Nguyên Đán.
1. Các nhà máy ngừng hoạt động
Trong khoảng thời gian này, hầu hết mọi hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các cảng biển đều hạn chế hoặc ngừng hoạt động và chỉ bố trí một số lượng tối thiểu nhân viên, tập trung cho các đơn hàng ưu tiên và dễ hỏng. Vì vậy, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với các nhà cung ứng hoặc không nắm rõ được tình trạng mới nhất của các đơn hàng. Điều này có thể sẽ gây ra sự chậm trễ và gián đoạn trong hệ thống quản lý chuỗi cung ứng của tất cả các doanh nghiệp.
2. Tỷ lệ lỗi cao hơn
Các nhà máy thường sẽ không hoạt động trong dịp Tết, để đảm bảo mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng được diễn ra trơn tru, các công nhân sẽ cố gắng tăng tốc gấp rút hoàn thành các đơn hàng để kịp tiến độ trước kỳ nghỉ Tết. Vì vậy, các sản phẩm làm ra thường sẽ có tỷ lệ lỗi cao hơn và có nhiều vấn đề về chất lượng hơn trong thời điểm này.
3. Sự cố đột xuất
Ngay cả khi các nhà cung ứng có thể đảm bảo với bạn về việc sẽ giao đầy đủ hàng trong dịp Tết, tuy nhiên vẫn sẽ có một vài sự cố đột xuất làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng của bạn, chẳng hạn như dịch bệnh COVID xảy ra vào mùa xuân năm 2020.
4. Chậm tiến độ sản phẩm
Công nhân không thể đáp ứng đúng tiến độ sản xuất, hoặc một số sản phẩm bị lỗi yêu cầu phải sản xuất lại, tất cả những điều này đều sẽ làm chậm tiến độ ban đầu.
5. Tăng giá cước vận chuyển
Trong khoảng thời gian Tết Nguyên Đán, giá cước vận chuyển hàng không và vận chuyển đường biển sẽ tăng một cách đáng kể, và giá sẽ bắt đầu giảm khoảng 1-2 tuần sau Tết. Trong thời điểm này, hầu như toàn bộ các hãng vận tải đều trong tình trạng quá tải, vì vậy việc tìm được các vị trí đặt hàng trên các phương tiện giao thông vận tải trong thời gian này tương đối khó khăn, cũng như phí dịch vụ sẽ tăng cao.
6. Công nhân nghỉ việc
Có một sự thật là rất nhiều công nhân sẽ không quay lại công ty sau dịp Tết. Họ có thể sẽ lựa chọn ở lại quê làm việc, hoặc đổi sang một nơi làm việc mới với phúc lợi tốt hơn, mức lương cao hơn, hoặc là đổi ngành làm việc. Vì vậy, các doanh nghiệp thường phải dành thời gian để tuyển dụng và đào tạo những nhân viên mới. Kết quả là, các doanh nghiệp thường phải mất một vài tuần sau Tết để có thể quay trở lại với guồng sản xuất ban đầu.
Trước những rủi ro tiềm ẩn trên, các chủ doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị cho chuỗi cung ứng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán để mọi hoạt động sản xuất được diễn ra trơn tru.
Một số cách quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả trước Tết Nguyên Đán
Sau đây là một số gợi ý để doanh nghiệp bạn có sự chuẩn bị cho chuỗi cung ứng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sắp đến:
1. Kiểm tra hàng tồn kho
Đây luôn là việc đầu tiên mà bạn phải làm để có cái nhìn tổng quát về kho hàng của mình cũng như lên kế hoạch sản xuất cần thiết. Sau đó, bạn cần kiểm tra những lô hàng chưa hoàn thành để hoàn thành đúng hạn các đơn đặt hàng trước Tết. Nếu cần thiết, hãy chuẩn bị một kho tạm thời để phòng trường hợp có những tình huống xảy ra làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
2. Lên kế hoạch trước
Bạn nên lập kế hoạch để theo dõi chặt chẽ hoạt động sản xuất của bên bạn và các bên đối tác trước, trong và cả sau Tết, vì như đã nói ở trên, các tác động của kỳ nghỉ có thể kéo dài đến tận 3-4 tuần sau Tết. Xây dựng một bức tranh tổng thể những gì cần làm để đảm bảo có đầy đủ hàng trong suốt khoảng thời gian này.
3. Tối ưu hóa kho hàng và lên kế hoạch dự trù
Lập kế hoạch tối ưu hóa kho hàng. Đối với những đơn hàng cần giao khẩn cấp, có thể xem xét các phương thức vận chuyển khác nhau, chẳng hạn như thay đổi từ phương thức vận chuyển đường thủy sang vận chuyển đường bộ. Ngoài ra bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng chiến lược tìm nguồn cung ứng thay thế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
4. Xây dựng mối quan hệ bền chặt với nhà cung ứng
Hiểu rõ thời gian nghỉ lễ của đối phương và căn chỉnh lịch trình của đôi bên cho phù hợp. Điều này sẽ giúp xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững cũng như hiểu rõ hơn về trạng thái của các đơn đặt hàng đang được xử lý.
5. Vận chuyển các đơn đặt hàng đã hoàn thành trước Tết
Bạn có thể đã có kế hoạch cụ thể về thời gian giao hàng của từng đơn hàng. Tuy nhiên trong thời điểm này, bạn nên có kế hoạch vận chuyển sớm hơn để tránh tắc nghẽn hậu cần, bởi trước kỳ nghỉ Tết sẽ có rất nhiều lô hàng đang chờ xuất cảng.
6. Hợp tác với bên thứ ba
Sẽ rất khó để kiểm soát các nhà cung ứng nếu họ ở nước ngoài, vì vậy bạn có thể xem xét đến việc hợp tác với một công ty kiểm soát chất lượng thứ ba. Với đội ngũ chuyên nghiệp, họ sẽ thay bạn giám sát chuỗi cung ứng, từ đó có thể theo dõi kịp thời tiến độ sản xuất, đảm bảo tỷ lệ lỗi của sản phẩm cuối cùng trước khi giao hàng.
Kết luận
Năm Quý Mão sắp đến. Tuy kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ gây ra một số ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của bạn, nhưng hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, bạn có thể vượt qua những khó khăn trên và đón chào một năm mới đầy niềm vui và hy vọng.
Nguồn:
https://www.twill.net/knowledge-hub/logistic-trends-and-events/supply-chain-chinese-new-year
https://www.intouch-quality.com/blog/how-to-prepare-your-supply-chain-for-chinese-new-year-2023