Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Trước những căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và sự gián đoạn kinh tế do các chính sách chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc, ngày càng nhiều các nhà sản xuất toàn cầu đã dịch chuyển một bộ phận hoạt động sản xuất của mình sang các quốc gia lân cận khác. Đứng trước làn sóng mới này, chính phủ của các quốc gia Đông Nam Á được xem là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chìm trong khủng hoảng lạm phát và nguy cơ suy thoái khi đã và đang không ngừng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ lợi thế chi phí nhân công rẻ, các ưu đãi về thuế và hệ thống logistic không ngừng hoàn thiện.
Thời gian qua, Việt Nam là thị trường có lực hút vốn FDI ngày càng mạnh. Nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty nội khối châu Á đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Sự dịch chuyển dòng vốn này đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội phát triển. Có thể kể đến 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển sang Việt Nam. Hay tập đoàn LEGO nổi tiếng của Đan Mạch đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ tại Bình Dương để xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ em. Gần đây, tập đoàn Thaco đã tổ chức khánh thành, đưa vào vận hành trung tâm cơ khí và khởi công trung tâm R&D tại Quảng Nam. Tính đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam. Năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021.
Khó “chen chân” sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Có thể nói, dòng vốn FDI vào Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng nền kinh tế đất nước, đồng thời là chất xúc tác trong quá trình chuyển mình trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội kể trên, quá trình tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Một là, khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu là không đáp ứng được chất lượng và năng lực mà các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam đưa ra, chính vì vậy sẽ rất khó thực hiện được các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá để có thể hưởng các ưu đãi thương mại. Nguyên nhân có thể kể đến là do năng lực thương mại còn hạn chế, kỹ thuật công nghệ chưa cao, lao động thiếu tay nghề, sự kết nối kém với nguồn tài chính, thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp...... đã làm cho số lượng doanh nghiệp nội địa có thể tham gia vào chuỗi đầu - cuối ít đi, chỉ có thể đáp ứng được đơn hàng nhỏ, còn đối với các đơn hàng lớn thì khó có khả năng đáp ứng đúng hạn.
Hai là, đối với các doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, họ chỉ mới tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu. Bên cạnh đó, những tiến triển trong việc nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ phần lớn do công ty có vốn nước ngoài thực hiện, việc tham gia của công ty Việt Nam rất hạn chế.
Ba là, tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Phần lớn các doanh nghiệp nội địa đều kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, vì vậy chưa thể tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và với hàm lượng công nghệ cao, đồng thời khó khăn trong việc tiếp cận với các công nghệ và tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là bí quyết của các đối tác trên thế giới.
Để giải quyết cho bài toán này, vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tập trung vào các giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, từ đó tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.