TỰ ĐỘNG HOÁ QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT IN

Cao Xuân Vũ
PrintMedia Academy Vietnam (Prima)

1. Tự động hóa sản xuất in

Tự động hóa sản xuất in - “Programmatic Print” (được hình thành từ khái niệm "programmatic advertising") là một khái niệm trong ngành in, đề cập đến việc sử dụng công nghệ tự động hóa để tối ưu hóa quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm in. Tự động hóa sản xuất in có thể bao gồm việc tự động hóa quy trình từ việc đặt hàng in, quản lý dữ liệu cho đến lập kế hoạch sản xuất, thậm chí là việc tạo nội dung bài in dựa trên dữ liệu và thông tin cá nhân hóa.

Tự động hóa đã và đang cách mạng hóa cách quản lý các quy trình sản xuất in, bao gồm việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa và tự động hóa các giai đoạn sản xuất in từ thiết kế, liên kết dữ liệu, lên kế hoạch đến sản xuất thực tế để đạt được các mục tiêu: (1) Cải thiện và nâng cao năng suất; (2) Giảm chi phí; (3) Sản xuất hiệu quả. Dưới đây là một số khía cạnh chính của tự động hóa trong ngành in:

  1. Tối ưu hoá quy trình sản xuất in: các giải pháp điều khiển, giám sát tự động cũng như các hệ thống phần mềm đã giúp thiết lập thông số một cách tự động, giảm sự phụ thuộc vào các thiết lập thủ công. Điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề từ lập kế hoạch, phân bổ tài nguyên và theo dõi công việc trong quá trình sản xuất hoạt động một cách mượt mà. Một số gợi ý cho doanh nghiệp về chủ đề này:
    • Ứng dụng phần mềm và thiết bị máy móc tự động để tăng năng suất và giảm thiểu các tác động của con người.
    • Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp để dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận.
    • Thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và sử dụng các hệ thống đo kiểm khách quan.
    • Đảm bảo nhân viên được đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng để sử dụng máy móc, quy trình một cách hiệu quả.
    • Thu thập dữ liệu để phân tích, thống kê và cải tiến liên tục quá trình sản xuất.
  2. Tự động hoá công đoạn trước in: công đoạn trước in từ chuẩn bị file, dàn trang, bình trang đã có các giải pháp phần mềm hỗ trợ. Tuỳ vào dòng sản phẩm, thiết bị hiện có của doanh nghiệp mà việc thiết lập các mẫu thiết kế, các mẫu bố cục và cho phép tùy chỉnh cá nhân hoá được thuận tiện và dễ dàng. Điều này giúp công đoạn trước in giảm sai sót và tăng năng suất.
  3. Thành phẩm trực tiếp: các công cụ, thiết bị hoàn thiện sản phẩm in được tích hợp trực tiếp với các máy in để thực hiện các công đoạn như cắt, gấp, đóng sách, tráng phủ… Điều này giúp cải thiện thời gian hoàn thành sản phẩm và hạn chế các sai sót của thao tác thủ công.
  4. Kiểm soát chất lượng: các hệ thống kiểm soát chất lượng trực tuyến, các giải pháp, công cụ kiểm soát màu sắc tự động giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm in đồng nhất trong suốt quá trình in cũng như tái bản. Các hệ thống này có thể phát hiện lỗi về sai lệch màu sắc, lỗi hình ảnh và ký tự, lỗi chính tả… theo thời gian thực giúp giảm thiểu lãng phí và in lại đền hàng.
  5. Giải pháp Web2Print: tự động hoá đã phát triển và dựa trên nhiều nền tảng đặc biệt là công nghệ thông tin, mạng internet và trí tuệ nhân tạo. Một trong ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ này trong ngành in là Web2Print, cho phép khách hàng gửi đơn hàng trực tuyến, theo dõi tiến độ đơn hàng cũng như các giải pháp tích hợp tự động hóa để tối ưu hoá quy trình đặt hàng, quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các chi phí và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
  6. Các hệ thống quản lý tồn kho: các giải pháp và hệ thống quản lý tự động đã được ứng dụng trong ngành in có tính năng theo dõi nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đã hoàn thành trong thời gian thực giúp tối ưu hoá mức độ hàng tồn kho và giảm thiểu nguy cơ thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất.
  7. Ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo: các công nghệ tiên tiến này đã được tích hợp và quy trình sản xuất in để tự động hoá các công việc như giám sát nguyên vật liệu đầu vào, bảo trì bảo dưỡng chủ động, gợi ý ra quyết định dựa vào thông tin thu thập được hoặc ra quyết định khi được thiết lập giao quyền.

2. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Nhìn chung, ngành in là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tự động hoá rất cao. Các thiết bị máy móc trong ngành in đã tích hợp các giải pháp công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều doanh nghiệp cần là khai thác một cách hiệu quả. Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để được các mục tiêu đã đề ra từ đầu bài viết này? Một số gợi ý doanh nghiệp cần chuẩn bị như sau:

  • Xác định rõ các lý do gây ra tổn thất cho doanh nghiệp: tổn thất trực tiếp và tổn thất gián tiếp. Tổn thất trực tiếp là các chi phí là doanh nghiệp nhìn thấy được, thống kê được, chẳng hạn như: chi phí sai sót do con người trong vận hành, chi phí lỗi cho chất lượng, chi phí do thời gian sản xuất tăng… Tổn thất gián tiếp là các chi phí tiềm ẩn, chẳng hạn như: chi phí do khai thác thiết bị chưa hiệu quả từ việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận chưa thông suốt, chi phí quản lý và vận hành do thiếu thông tin, định mức không chính xác, hao phí sản xuất lớn…
  • Xác định rõ trình độ năng lực và công nghệ của doanh nghiệp mình đang ở mức độ nào? Các khái niệm về sản xuất thông minh, nhà in thông minh đã rất phổ biến. Việc đầu tiên của doanh nghiệp in là phải hiểu rõ và kết hợp hiệu quả của 3 vấn đề chính: (1) Thiết bị máy móc; (2) Quy trình vận hành; (3) Con người. Thiết bị máy móc phải ổn định, quy trình vận hành phải chặt chẽ và trực quan, con người phải đủ kiến thức và kĩ năng để đáp ứng vị trí công việc.
  • Xác định rõ mô hình doanh nghiệp và mức độ thông minh (hiểu đơn giản là mức độ tương tác thông tin được) từ máy móc thiết bị đến quản lý vận hành và quản trị nguồn lực. Các yêu cầu cơ bản là: (1) Máy móc phải được tự động hoá, phải thu thập được các dữ liệu theo thời gian thực; (2) Quy trình vận hành phải quản lý được hiệu suất máy móc, hiệu quả bảo trì bảo dưỡng, kế hoạch sản xuất phù hợp, truy xuất và phân tích các lỗi sản phẩm….(3) Quản trị, hoạch định nguồn lực hiệu quả.

Vậy doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? Đây là câu hỏi cực kỳ nan giải. Nhưng theo nhận định của chúng tôi thì doanh nghiệp ngành in nên bắt đầu từ việc phải tự xác định được trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của mình qua các công cụ đã được phát triển bởi các chuyên gia đầu ngành. Kế đến là xây dựng lộ trình phát triển từ bước cơ bản nhất là tự động hóa công đoạn, chuẩn hóa quy trình đến văn bản hóa, số hóa và tiến tới tự động hóa toàn diện để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng hành cùng chuỗi chuyên đề công nghệ tại Drupa 2024, chúng tôi sẽ giới thiệu đến Quý vị các giải pháp tự động hoá trong sản xuất in, giải pháp cho nhà in thông minh và các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực in.

3. Một số thông tin nhà triển lãm

  1. CloudLab Web to Print Solutions - Hall 7a / B05: CloudLab là công ty dẫn đầu về các giải pháp web-to-print và web-to-pack
  2. CIP4 Organization - Hall 7a/C11: CIP4® là tổ chức phi lợi nhuận. Mục tiêu của CIP4 là đơn giản hóa việc tự động hóa trong quy trình sản xuất và kinh doanh in ấn.
  3. Esko-Graphics BV – Hall 8b/ A12: nhà cung cấp toàn cầu các giải pháp phần mềm và phần cứng tích hợp nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất in và đưa sản phẩm ra thị trường.
  4. Nikka Research Deutschland GmbH - Hall 11 / F31: cung cấp các giải pháp tự động hóa, đo kiểm công nghệ cao cho ngành in nhãn và bao bì.
  5. Digital Information AG – Hall 7a/ A09: cải tiến máy in offset thêm tính năng kiểm soát màu vòng kín với CIP3.
  6. eProductivity Software (ePS) – Hall 7a/E03: là nhà cung cấp phần mềm lớn nhất trên thị trường với hệ sinh thái mạnh mẽ, hướng tới tương lai, phục vụ mọi phân khúc trong ngành in ấn và đóng gói.
  7. Fogra Forschungsinstitut für Medientechnologien e.V – Hall 11/ F71: Fogra Research Institute for Media Technologies in Aschheim là đơn vị nghiên cứu các công nghệ in ấn, bảo mật, truyền thông  và đưa ra các tiêu chuẩn cho ngành.

(Bài viết thuộc Chuỗi giới thiệu chuyên đề công nghệ tại drupa 2024)