Quản trị chuỗi cung ứng: Cách thức hoạt động và tầm quan trọng

Quản trị chuỗi cung ứng hiện nay đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của thương hiệu. Một công ty nếu thất bại trong việc quản trị chuỗi cung ứng sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề. Hiểu được vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu những đặc điểm trong chuỗi cung ứng và cách ứng dụng chúng vào doanh nghiệp của mình.

1. Khái niệm quản trị chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng (supply chain) bao gồm tất cả các hoạt động, tổ chức, thông tin, người lao động,... tham gia vào một quy trình hoàn chỉnh bắt đầu bằng việc cung cấp nguyên liệu thô từ nhà cung cấp đến nhà sản xuất và kết thúc bằng việc cung cấp thành phẩm hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng.

Quản trị chuỗi cung ứng (SCM) là quản lý tập trung dòng hàng hóa/dịch vụ và toàn bộ quy trình biến nguyên liệu thô ban đầu thành sản phẩm cuối cùng, nhờ đó công ty có thể cắt giảm tối đa các chi phí dư thừa, tránh tình trạng thiếu nguồn cung và cung cấp sản phẩm/dịch vụ đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Năm yếu tố quan trọng nhất của SCM là: phát triển chiến lược, tìm nguồn nguyên liệu thô, sản xuất, phân phối và hoàn trả sản phẩm.

Một công ty quản trị tốt chuỗi cung ứng sẽ cố gắng giảm có thể đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tránh khỏi các vụ thu hồi và kiện cáo tốn kém không cần thiết.

2. Tầm quan trọng của SCM

Quản lý chuỗi cung ứng rất quan trọng vì những lý do sau đây:

  • Giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh theo một hoạch định có sẵn. Ví dụ, việc kiểm soát quy trình sản xuất có thể cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm nguy cơ thu hồi và kiện cáo đồng thời giúp xây dựng thương hiệu.
  • Đồng thời, việc kiểm soát các thủ tục vận chuyển có thể tránh tình trạng thiếu hàng gây tốn kém hoặc tình trạng cung vượt cầu trong kho, từ đó cải thiện dịch vụ khách hàng.

3. Năm yếu tố của SCM

Người quản lý của chuỗi cung ứng (supply chain manager) sẽ giám sát và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động logistic để tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu tối đa chi phí thông qua 5 yếu tố sau đây:

Lập kế hoạch

Để việc quản trị chuỗi cung ứng đạt được hiệu quả cao nhất, đầu tiên bạn cần hoạch định một kế hoạch cung ứng rõ ràng để cân bằng nhu cầu của cả khách hàng và nhà sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua việc tính toán nguyên liệu thô cần thiết trong từng giai đoạn sản xuất, công suất và hạn chế của các thiết bị cũng như nhu cầu nhân sự,... bạn có thể dự đoán được nhu cầu cần thiết trong tương lai. Hiện nay, một số công ty lớn thường có một hệ thống ERP riêng để tổng hợp thông tin và lập kế hoạch.

Tìm nguồn cung ứng

Một quy trình SMC hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp. Bạn sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp khác nhau để tìm ra nhà cung cấp phù hợp nhất với công ty bạn để tìm nguồn hàng và cung cấp nguyên liệu thô cần thiết trong suốt quá trình sản xuất. Việc tìm nguồn cung ứng cho hoạt động SCM phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây:

  • Nguyên liệu thô phải đáp ứng yêu cầu sản xuất.
  • Giá hàng hóa phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
  • Nhà cung cấp có thể linh hoạt trong việc cung cấp nguyên liệu cần thiết trong một số trường hợp khẩn cấp (không lường trước được).
  • Nhà cung cấp có đầy đủ hồ sơ chứng minh giao hàng đúng hạn và chất lượng tốt.

Việc quản trị chuỗi cung ứng đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết đối với những công ty đang hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa dễ hư hỏng. Khi tìm nguồn cung ứng hàng hóa, bạn nên lưu ý đến thời gian giao hàng và mức độ nhà cung cấp có thể đáp ứng các nhu cầu đó.

Sản xuất

Công ty sẽ sử dụng máy móc, lao động để biến các nguyên liệu thô ban đầu thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Quá trình sản xuất có thể được chia thành những công việc nhỏ như lắp ráp, thử nghiệm, kiểm tra và đóng gói. Trong quá trình sản xuất, bạn phải chú ý đến những nhân tố có thể gây ra sai lệch so với kế hoạch ban đầu.

Giao hàng

Để quản trị tốt chuỗi cung ứng, bạn cần phải có khả năng hậu cần và đa dạng nhiều kênh phân phối để đảm bảo việc phân phối sản phẩm kịp thời, an toàn và không tốn kém.

Bạn cũng cần phải có phương thức phân phối hàng hóa dự phòng phòng trường hợp một phương thức vận chuyển tạm thời không sử dụng được. Ví dụ: quy trình giao hàng của công ty có thể bị ảnh hưởng như thế nào khi có bão tại các khu vực trung tâm phân phối?

Hoàn trả sản phẩm

Quá trình quản trị chuỗi cung ứng còn bao gồm việc hỗ trợ hoàn trả sản phẩm khi khách hàng không hài lòng với sản phẩm. Quy trình hoàn trả này thường được gọi là logistic ngược (Reverse logistics), nhiệm vụ của bạn là phải chắc chắn công ty có khả năng nhận lại các sản phẩm bị trả lại và hoàn trả chính xác khoản tiền cho khách hàng.

Nhiều người cho rằng việc hoàn trả lại sản phẩm là vấn đề giữa riêng công ty bán hàng và khách hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng hoàn trả lại sản phẩm, bạn phải xem xét lại nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoàn trả lại hàng hóa (sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất/giao hàng, sản phẩm hết hạn sử dụng,...). Nếu không giải quyết được nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc khách hàng hoàn trả sản phẩm, quy trình quản trị chuỗi cung ứng sẽ thất bại và khả năng xảy ra tình trạng trả lại hàng trong tương lai vẫn có thể sẽ kéo dài.

4. Các loại mô hình chuỗi cung ứng

Mỗi công ty khác nhau sẽ có cách thức quản trị chuỗi cung ứng của riêng mình. Mỗi một công ty sẽ có một mục tiêu, thế mạnh và hạn chế riêng để định hình nên quy trình SCM của mình.

Thông thường sẽ có nhiều mô hình khác nhau mà các công ty có thể áp dụng để hướng dẫn các quy trình quản lý chuỗi cung ứng của mình.

  • Mô hình dòng chảy liên tục: Đây là một trong những mô hình chuỗi cung ứng truyền thống, thường phù hợp với những ngành trưởng thành. Mô hình dòng chảy liên tục dựa vào việc một bên sản xuất lặp đi lặp lại cùng một loại hàng hóa trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu của khách hàng ít thay đổi.
  • Mô hình linh hoạt: Mô hình linh hoạt thường được ứng dụng vào các dịp lễ, tết,... để bán ra các sản phẩm mang tính thời vụ. Lúc này, số lượng đơn đặt hàng tăng cao đột biến, vì thế các công ty sẽ tập trung sản xuất các mặt hàng có khả năng tiêu thụ cao và giảm hoặc ngừng sản xuất đối với các mặt hàng có khả năng tiêu thụ thấp.
    Mô hình này phù hợp nhất với các công ty có nhu cầu không thể đoán trước được. Mô hình linh hoạt yêu cầu một quy trình rõ ràng, minh bạch, đồng thời để có thể tạo ra lợi nhuận, người quản lý chuỗi cung ứng phải dự đoán được chính xác các nhân tố liên quan: số lượng nguyên vật liệu, số lượng nhân công, số lượng hàng tồn kho,...
  • Mô hình cung ứng nhanh: Mô hình này được biết đến nhiều thông qua các công ty lớn về thời trang nhanh như Zara, H&M,.... Mô hình này chú trọng đến thời gian vì các doanh nghiệp sẽ luôn cập nhật những xu hướng mới nhất, nhanh chóng sản xuất hàng hóa và đảm bảo sản phẩm được bán hết trước khi xu hướng kết thúc. (sản phẩm có vòng đời ngắn).
  • Mô hình hiệu quả: Trong một ngành có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, bạn có thể cố gắng đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách làm cho quy trình quản lý chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả nhất, chẳng hạn như sử dụng thiết bị và máy móc tốt nhất bên cạnh việc quản lý hàng tồn kho và xử lý đơn đặt hàng hiệu quả nhất.
  • Mô hình tùy chỉnh: Nếu bất kỳ mô hình nào ở trên không phù hợp với nhu cầu của công ty, thì bạn có thể chuyển sang mô hình tùy chỉnh. Những công ty trong ngành chuyên môn hóa cao, yêu cầu kỹ thuật cao như ngành sản xuất ô tô thường cần đến mô hình này.

Tạm kết

Có thể thấy, SCM đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mình, từ đó doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý và mở rộng kinh doanh trong tương lai.

Bài viết đã tóm lược lại những kiến thức cơ bản, vai trò, tầm quan trọng cũng như các loại hình chuỗi cung ứng khác nhau. Hãy theo dõi e-Print&Pack để cập nhật những kiến thức bổ ích khác nhé.

Từ khoá: